Blog

Tử Xuân – Hoạ sĩ lưu vong hay người tìm thấy chính mình?

Sau buổi khai mạc triển lãm Allusive Panorama “Trời, Non, Nước” ở Huế, mình đọc thấy nhiều bạn bè và chuyên gia chia sẻ một điểm chung: họ nhìn thấy sự cô đơn, nỗi buồn, cảm giác thiếu quê hương trong tranh của hoạ sĩ - hoàng đế Tử Xuân. Nhưng cảm nhận của mình thì hơi khác.

Trước khi đến Huế lần này, mới chỉ xem một vài bức “teaser” trên các báo, mình đã thật sự muốn được xem tận mắt. Bởi nếu chỉ nhìn tranh và cảm nhận, thì đây không thể là tác phẩm của một người “buồn bã” hay “trầm cảm”. Không thể nào!

Tại buổi khai mạc, mình đã nán lại muộn nhất, chọn thời điểm vào trễ nhất, khi mọi người đã hoan hỉ rủ nhau đi ăn tiệc, để có cơ hội ngắm nhìn thật lâu 21 tác phẩm xuất sắc của hoạ sĩ Tử Xuân. Và đúng như vậy, đó không phải là tranh của một người buồn. Những tinh tế, lay động trong ánh sáng, những dịu dàng, mong manh, thơ… như vậy, không thể nào trầm cảm được. Mình chỉ rời đi nhập tiệc khi đã tương đối “no mắt”.

Sáng hôm sau, khi ngồi Café với Tiến Sĩ Trần Đình Hằng - Phân viện trưởng Viện nghiên cứu văn hoá nghệ thuật quốc gia taị Huế (tên mới cập nhật là Phân Viện Văn hoá, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch miền Trung - Viện Văn hoá, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) ở Khách sạn Sài Gòn Morin, góc cửa sổ nhìn ra cầu Trường Tiền, mình mới đem suy nghĩ này chia sẻ với anh. Mình nói: “Em không thấy tranh của ông buồn.”

Và Tiến Sĩ Hằng đã cho mình những thông tin thật sự quý giá càng làm mình chắc chắn hơn điều này. Thời kỳ này, vua Hàm Nghi đã trải qua đủ cung bậc, những biến cố của đời loạn lạc, lưu vong và đã tìm được niềm vui trong hội hoạ. Và đây chính là lúc ông tìm lại, hay đúng hơn là tìm thấy chính mình. Những tác phẩm này bởi vậy là một sự sống dậy, một sức sống mới nhen nhúm, lạc quan và hy vọng, chứ không phải cảm giác u hoài.

Cà phê với Tiến Sĩ Trần Đình Hằng và Khánh bên cầu Tràng Tiền

Khi xem tranh, mình thường để tác phẩm tự lên tiếng, không áp đặt định kiến và cảm xúc của mình lên chính bức tranh hoặc người vẽ. Câu chuyện đằng sau bức tranh, nếu có được bổ sung thêm, sẽ cho mình thêm những chiều không gian khác để cảm nhận nó, cho nó những khả thể khác, chứ không phải nhằm giải thích nó. Và đó cũng chính là cách mà một tác phẩm nghệ thuật ra đời và sống đời sống riêng. Mỗi một tác phẩm luôn có câu chuyện đằng sau đó, nhưng tự nó cũng luôn có khả năng kể một câu chuyện riêng vượt lên trên hoàn cảnh.

Mình nhớ lại buổi cà phê chiều hôm trước ở một hiên xuân rất xinh, bên ngoài thành nội, đối diện với Lầu Tứ Phương Vô Sự, trước khi tụi mình vào dự triển lãm. Khánh - một người bạn vô cùng đáng mến của tụi mình, một kiến trúc sư tài năng ở Huế, cũng nói với mình một điều tương tự như vậy.

Khánh kể, dưới mái hiên đó, có lần Khánh đã ngồi và ghi hình những hạt mưa rơi, với một cảm xúc rất đẹp. Khi nhìn thấy video đó, có người xem khen mưa đẹp, lãng mạn, nhưng lại cũng có người bình luận: sao buồn thế!

Đó rõ ràng là nội tâm của chúng ta phóng chiếu lên vạn vật, chứ bản thân nó không có tự tính. Như mưa chỉ đơn giản là mưa thôi.

Trừ khi ta biết chắc hoạ sĩ Tử Xuân đã nghĩ gì khi vẽ những bức tranh ấy, bằng không, hãy cùng chiêm ngưỡng nó trong trạng thái vô trí, rỗng rang. Nếu có một tâm tình nào đó được gửi gắm, thì hãy để nó tự tìm đường chạm tới chúng ta. Đừng vội gọi tên nó bằng những từ như “lưu vong”, “tha hương”, “yêu nước”… vì có khi, tranh không cần những danh xưng lớn lao như vậy.

Với mình, những màu sắc và đường nét ấy chỉ mang một sự mong manh, dịu nhẹ và rất gần. Có lẽ vì bảng màu ấy, kỹ thuật ấy, tông cảm xúc ấy… cũng rất gần với thứ mà mình hay “nghịch”.
Và có lẽ vì thế mà mình chạm được nó theo một cách riêng.

Cùng nhau ngắm tranh nhé!

Did you like this? Share it!

0 comments on “Tử Xuân – Hoạ sĩ lưu vong hay người tìm thấy chính mình?

Leave Comment