Sáng nay, JVevermind, một Vlogger đời đầu mà mình từng rất thích, đã chia sẻ một clip dài nói về việc mạng xã hội không còn vui nữa, với tất cả những thứ mệt mỏi mà nó mang lại. Cũng như JVevermind, từ năm 2019, nhất là sau đại dịch, cộng với hành trình phát triển nhận thức và tâm linh của bản thân, mình đã không còn dùng mạng xã hội nữa.

Bạn bè hỏi: "Mày cai mạng xã hội à?", mình chỉ trả lời: "Không, hiện giờ mình đang ở nhà nuôi con, không có việc gì cần nên không dùng, khi nào cần thì lại dùng". Đó là một câu trả lời thật tình. Bởi không thể từ chối sự hữu ích của mạng xã hội (cũng như đối với AI bây giờ). Trong một thời gian dài, với tư cách là một trong những digital agency đầu tiên, chạy những chiến dịch digital đầu tiên tại VN cho những nhãn hàng lớn, không thể chối cãi được một điều rằng mạng xã hội đã nuôi sống công ty và gia đình mình.
Tuy nhiên, phần lớn chúng ta khó phân biệt rạch ròi giữa việc dùng nó vào công việc và mục đích riêng tư, nhất là khi thương hiệu cá nhân trở thành một tài sản, một công cụ kinh doanh, rất khó để mà từ chối xu hướng và hiệu quả không thể chối cãi này. Tuy vậy, cũng như sự chuyển hoá và dịch chuyển của năng lượng, có được thì có mất, trong trắng có đen, trong sáng có tối. Chúng ta không thể chỉ được mà không mất. Khi chúng ta có được tiền bạc từ mạng xã hội, thì chúng ta mất đi sự cân bằng và bình an nội tâm.
Trong một cuốn sách mình mới viết gần đây, mình có đề cập đến việc xã hội đã nuôi dưỡng cái tôi, kinh doanh cái tôi và các thuật toán mạng xã hội đã thổi bùng, khích tướng, khuếch đại cái tôi đến cỡ nào. Những thuật toán mạng xã hội, xét về tính toán và máy móc, nó có thể rất phức tạp. Nhưng nếu xét về bản chất, nó rất đơn giản. Nó là một thuật toán nhằm nuôi dưỡng và mua bán cái tôi. Và không ai là không mắc vào cái bẫy của nó. Cho tới một lúc, bạn cảm thấy như những gì JVevermind nói, và bạn muốn hoặc chính mình biến mất, hoặc "nó" (mạng xã hội) phải biến mất. Nhưng cả hai việc dường như đều là không thể.
Vậy làm thế nào để bạn vẫn có thể làm việc, vẫn sử dụng nó, vẫn hưởng lợi từ nó mà bớt sứt mẻ, bình an hơn, chân thật hơn và dần tới chỗ không còn bị nó điều khiển nữa? Dưới đây là những trải nghiệm cá nhân của mình, mình chia sẻ hy vọng một ai đó có thể cảm thấy có ích.
Nếu bạn thực sự không kinh doanh, không sử dụng mạng xã hội vào việc kiếm tiền hay công việc, tốt nhất hãy "đăng xuất" khỏi nó. Từ năm 2019 cho tới 2023, từ một người sử dụng mạng xã hội để làm việc, mình đã hoàn toàn rời bỏ nó. Mỗi năm một lần, vào đúng ngày mùng 1 hoặc 30 Tết, mình vào gửi lời chúc tới bạn bè, những người lâu mình không gặp. Liệu mình sống có ổn không? Rất ổn chứ! Thậm chí trong thời gian này, mình đôi lúc vẫn làm việc từ xa, mình vẫn tìm kiếm thông tin trên mạng để làm việc, nhưng thực sự chỉ đọc những thứ mình cần. Vì mình nhận ra là, 99% thời gian mình dùng mạng xã hội là để xem lảm nhảm và tự nói về bản thân. Và khi đã im lặng tới gần 5 năm, mình thấy việc tự đăng gì đó về bản thân là một chuyện ngớ ngẩn và hơi buồn cười.
Đến năm 2023, mình phải quay trở lại sử dụng mạng xã hội vì lý do công việc, mình vẫn chỉ chủ yếu dùng nó vì mục đích công việc, và không tránh khỏi đôi lúc phải đăng ảnh bản thân. Việc này 100% là để những người đang làm việc với mình nhận diện ra mình, không vì một mục đích gì khác. Mặc dù làm trong những dự án mà mình gặp liên miên những người nổi tiếng không chỉ điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật mà ở rất nhiều lĩnh vực, cả cấp quốc gia và toàn cầu, nhưng gần như mình hiếm khi đăng ảnh chụp với người nổi tiếng lên tài khoản cá nhân, bởi đơn giản là thậm chí mình không cố tình chụp ảnh với họ. Những ảnh với người nổi tiếng nếu có mình trong đó, phần lớn đều là đang trong lúc làm việc.
Tự mình không cảm thấy việc chụp ảnh với người nổi tiếng, sau đó đăng lên mạng và nói gì đó là một chuyện quan trọng hay ảnh hưởng gì đến sự bình an hay giá trị của bản thân, thì mình sẽ không còn nhu cầu đó nữa. Rút kinh nghiệm từ một lần đăng ảnh mình sang Bỉ chơi với Công Phượng và hôm sau mặt mình đầy trên báo. Hết sức phiền cho mình và cho bạn. Thật sự là trong máy mình nhiều vô kể, vì chụp ảnh thì cũng vui mà, nhưng chụp tự nhiên, chụp cho vui là một việc khác, còn chụp để đăng nó lên một cách khoe mẽ là một việc khác.
Khi mình không bị nghiện những ảo ảnh đó, thì việc sử dụng mạng xã hội thuần tuý vì công việc là một chuyện hoàn toàn có thể làm được. Mình biết không ít người đã làm rất tốt việc này, kể cả những người nổi tiếng. Cho nên, nói lên mạng ai cũng làm màu, ai cũng phông bạt là không đúng. Chỉ là mình chưa quan sát để biết cách làm sao sống thư giãn giữa chốn phông bạt thôi.
Khi đã là một phần của mạng xã hội, bạn là một máy phát tin, máy tạo ra tin tức, thì người khác cũng vậy. Cho nên cần phải bật chế độ lọc nhiễu và tin đồn. Và tự mình cũng không làm một cái máy phát nhiễu. Mình không phải người nổi tiếng, nhưng mình có phải sống với tin đồn không? Có chứ. Tin đồn có ác không? Có chứ. Vậy mình xử lý thế nào?
Mình thấy có một người bình luận về mình rằng sao mấy ông bà làm truyền thông thì khi bản thân rơi vào khủng hoảng lại xử lý kém vậy? Điều này thật sự là không thể bình luận được. Nó tuỳ thuộc vào góc nhìn và nhận thức của mỗi người. Khi bạn quan niệm rằng đó là "khủng hoảng truyền thông", thì bạn sẽ tìm cách xử lý nó. Cũng trong một cuốn sách khác, khi nói về việc này, mình có viết rằng những chuyên gia tư vấn khủng hoảng truyền thông, sở dĩ họ nói mạnh miệng như vậy, là bởi họ chưa từng rơi vào khủng hoảng hoặc khủng hoảng của họ chưa đủ lớn.
Có những khủng hoảng mà bạn không thể xử lý được. Gió bão giật cấp 12, bạn có thể gia cố nhà. Nhưng nếu là động đất, sóng thần, bạn không thể làm gì được. Đó là ở góc độ bạn coi đó là một "khủng hoảng". Nhưng nếu bạn nhìn ở một góc độ tinh thần, suy xét nó một cách biện chứng hay theo nhân quả, bạn sẽ không tìm cách chống lại khủng hoảng đó. Bạn sẽ sống cái khủng hoảng đó, và khi đi qua nó, bạn sẽ thấy mình rắn rỏi, mạnh mẽ hơn biết chừng nào, và nhận ra cái gì là thật sự quan trọng đối với mình. Trừ khi bạn vẫn muốn bám víu, níu kéo, chứng tỏ và muốn nuôi dưỡng cái "tôi" của mình.
Có phải bạn đang hỏi, tóm lại là làm thế nào để lọc nhiễu và vượt qua tin đồn? Có lẽ không gì hay bằng việc không tin những gì bạn chưa tận mắt nhìn thấy, ngay cả khi bạn nhìn thấy tận mắt đó, nhưng sự thật phía sau có thể rất khác. Bản thân mình, ngay cả khi có cơ hội được giải thích về khủng hoảng của mình, mình vẫn chọn im lặng. Vì mỗi người có những câu chuyện, lý do và nhận thức rất khác. Cho nên, cách tốt nhất là nhìn thấy mọi điều, nhưng chỉ phản ứng với nó khi nó diễn ra ảnh hưởng tới sinh mạng và bình an của bạn. Còn nếu không, hãy cứ là một người người quan sát.
Trong tất cả những điều cần phải tu tập, cái cần tu nhất chính là ý nghĩ. Ý nghĩ là khởi đầu của mọi chuyện và sức mạnh của nó lớn hơn nhiều những gì chúng ta có thể biết. Giữ một cái đầu với những ý nghĩ lành, ngay khi thấy mình khởi lên một suy nghĩ chẳng lành nào đó, hãy dừng nó, chuyển hướng nó. Chỉ cần làm vậy thôi, những chuyện khó nhất rồi cũng dần tìm ra manh mối.
Nếu bạn là người làm kinh doanh, người bán khóa học, diễn viên, ca sĩ, hoạ sĩ... những người không thể không khai thác sự tiện dụng của mạng xã hội, không thể tránh nói về bản thân, làm sao để sống yên ổn với nó, khi mà bạn không thể chống lại được những con người và cả những con bot chỉ thích nói những điều độc địa? Có lẽ cách hay nhất là dùng nó ở một mức độ vừa phải, chân thật, không màu mè, không cố tình đánh bóng và sử dụng vào mục đích không tốt. Mình thấy rất nhiều người đã làm được việc đó. Cứ thêm một người đúng mực trên mạng xã hội, chắc chắn sẽ bớt được một người độc địa. Quan trọng là bạn có chọn cách đó hay không.
Bạn có biết cái câu mà mình thấy vừa độc địa vừa ngu ngốc nhất trên mạng là gì không? "Bọn hay nói đạo lý thì sống như... lol". Mình dịch "lol" đúng nghĩa của nó là "laugh out loud". Những người đó sống rất vui. Chỉ những người không nói đạo lý nhưng cũng không sống có đạo và lên mạng chỉ để chực quăng câu này vào người khác, là những người làm cho cái biển mạng xã hội trở nên độc địa hơn bao giờ hết.
Bạn đừng ngại nếu muốn nói hay chia sẻ ra một điều gì đó đẹp đẽ. Có thể bạn chưa thể thực hành ngay được, nhưng tâm của bạn đã hướng về đó rồi. Đó chính là sức mạnh của ý nghĩ. Ngay cả khi mình chưa làm được điều gì tốt đẹp, nhưng nói ra những điều tốt đẹp, đã là một việc tốt đầu tiên rồi. Chỉ cần nhớ là, hãy giữ cho hành động của bạn đi theo những lời nói đó, đừng làm ngược lại. Còn những người nói một đằng làm một nẻo, là họ đang nói đạo lý có tâm địa. Có thể nó không tốt cho họ, nhưng những điều họ nói, vẫn có thể tốt cho người nghe thấy nó.
Mình bật cười khi đọc một status của một anh gần đây nói, sau khi đọc thấy câu nói trên, anh phải đi tìm hết các câu đạo lý mà anh đã từng đăng và xoá đi. Vậy là bạo lực mạng đã thành công rồi đó.
Cuối cùng, nếu bạn sống tĩnh lặng dần, chân thật dần, không bị những ảo tưởng chi phối, bạn sẽ vẫn biết cách dùng mạng xã hội mà không mệt đầu. Một hành động cụ thể ư? Mình đã bỏ tài khoản cũ của mình, tạo một cái mới, và chỉ nói về công việc. Từ khi không còn phải đọc một feed toàn những chuyện thị phi, công kích, khoe mẽ, mình không bị năng lượng tiêu cực làm phiền, chỉ nhìn thấy những thứ đẹp đẽ (ý mình là chỉ toàn ngắm tranh đẹp từ những người mà mình follow). Khi bạn ăn cái gì, thức ăn đó sẽ thành bạn. Cũng vẫn là FB, nhưng giờ mỗi khi đăng nhập nó, mình thấy vui vẻ, tươi đẹp, dù chỉ có vài likes cho mỗi post.
Nếu bạn vẫn muốn tiếp tục duy trì tài khoản cũ, những mối quan hệ cũ mà không bị "mệt đầu", có lẽ bạn nên chọn cách "hide" đi những người mà mỗi lần đọc gì đó của họ bạn thấy mệt, và không dùng mạng xã hội vào việc "hóng hớt" hay "khoe mẽ" nữa. Chỉ bắt đầu từ 2 việc đó thôi, bạn đã thấy mọi điều dễ chịu hơn nhiều rồi.
0 comments on “Mạng xã hội – Không còn vui nữa: Ở lại và bị nuốt chửng, hay rời bỏ?”